“Bắt mạch” chiến trường đặt món trực tuyến
Theo khảo sát, tốc độ giao hàng là yếu tố quan trọng nhất đối với người tiêu dùng ưa thích gọi đồ ăn online. Bên cạnh đó, các tiêu chí khác bao gồm đóng gói sạch sẽ, chất lượng đảm bảo, sản phẩm chính xác và giá cả phải chăng.
Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM vừa công bố nghiên cứu về mức độ hài lòng của người dùng đối với các dịch vụ đặt món trực tuyến tại thị trường Việt Nam. Kết quả được đưa ra dựa trên cuộc khảo sát với những khách hàng đã từng ít nhất một lần sử dụng dịch vụ đặt thức ăn thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh tại Hà Nội và TP.HCM trong tháng 12/2018. Ngoài mục đích nghiên cứu về mức độ hài lòng của người dùng với từng dịch vụ trên từng yếu tố cụ thể, khảo sát còn đưa ra những nhân tố ảnh hưởng đến quyết lựa chọn dịch vụ đặt món trực tuyến của người dùng tại Việt Nam.
Nghiên cứu cho thấy, tần suất sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến của người thành thị hiện khá cao, mở ra tiềm năng to lớn cho thị trường này tại Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể, 99% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần/tháng. Đáng chú ý, có đến 39% người tham gia khảo sát đặt món thông qua ứng dụng 2-3 lần/tuần. Và dù còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 1%, nhưng thị trường đã bắt đầu hình thành một nhóm khách hàng có thói quen hầu như bật ứng dụng trên điện thoại di động để đặt thức ăn mỗi ngày.
Nghiên cứu cũng đã chỉ ra 5 tiêu chí quan trọng nhất được khách hàng xem xét khi quyết định lựa chọn dịch vụ đặt món, bao gồm: Tốc độ giao hàng nhanh chóng (65%); Món ăn được đóng gói gọn gàng, sạch sẽ (58%); Món ăn được giao đến với chất lượng đảm bảo (56%); Món ăn được giao chính xác theo đơn hàng đã đặt (50%); Có nhiều món ăn với giá cả phải chăng (45%).
Trong các dịch vụ giao thức ăn hiện tại, GrabFood được đánh giá cao nhất về tốc độ với khoảng 80% khách hàng đánh giá là dịch vụ giao thức ăn “nhanh nhất Việt Nam”.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận đánh giá của khách hàng đối với các ứng dụng gọi món trực tuyến phổ biến hiện nay, xét về độ phủ thương hiệu, tần suất được sử dụng và mức độ hài lòng.
Cụ thể, 6 ứng dụng được biết đến nhiều nhất bao gồm GrabFood, Foody/Now.vn, GoFood, Lala, Vietnammm và Lixi, theo thứ tự từ cao xuống thấp. Trong số đó, Lala đáng tiếc đã phải dừng cuộc chơi.
Khi được hỏi đã từng sử dụng dịch vụ nào, hai lựa chọn phổ biến nhất của người dùng theo thứ tự là GrabFood và Foody/Now.vn. GoFood và Lixi lần lượt đứng vị trí thứ ba và tư. Tuy nhiên, tính trong vòng một tháng trở lại đây, GrabFood, Lixi và Vietnammm là ba ứng dụng được sử dụng nhiều nhất.
GrabFood dẫn đầu về mức độ hài lòng chung của người dùng, theo sau là Foody/Now.vn, với điểm số trung bình lần lượt là 4,46/5 và 4,31/5. GoFood là tên tuổi được biết đến nhiều thời gian gần đây, nhưng vẫn còn một khoảng cách khá lớn với 2 thương hiệu dẫn đầu, với điểm số trung bình là 4,10/5.
Xét chỉ số hài lòng trên từng yếu tố được khảo sát, GrabFood nhỉnh hơn ở các yếu tố quan trọng như tốc độ giao hàng, trải nghiệm ứng dụng, chất lượng, độ đa dạng món ăn, giá cả, khuyến mãi, hình thức thanh toán hay thái độ của người giao hàng – đặc biệt ở thị trường Hà Nội.
Ông Lê Minh Phương – Giám Đốc bộ phận Nghiên Cứu Thị Trường của GCOMM nhận định: “Việc quảng bá thương hiệu để tăng cường mức độ nhận biết của người tiêu dùng đối với các dịch vụ gọi món trực tuyến là rất quan trọng. Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng đã chỉ ra rằng, không phải dịch vụ nào được biết đến nhiều cũng là dịch vụ được nhiều người lựa chọn và hài lòng về chất lượng. Ngoài Foody/Now.vn và GrabFood đã cơ bản đạt được thành công ở cả ba phương diện, các ứng dụng khác đa phần thể hiện thế mạnh ở một vài phương diện khác nhau, mà chưa có sự thành công toàn diện. Mặt khác, rõ ràng tốc độ giao món là yếu tố hàng đầu để chinh phục người tiêu dùng – dịch vụ nào có đội ngũ tài xế giao hàng đông đảo nhất sẽ phần nào chiếm lợi thế.”