Các hệ thống bán lẻ đang lo sốt vó khi đối mặt với kênh online
Cho đến thời điểm này, các hệ thống bán lẻ hàng công nghệ truyền thống tại các siêu thị vẫn đang chiếm ưu thế về doanh số, nhưng dù thế cũng không còn dám chủ quan trước các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và những kênh bán hàng online nói chung và bán hàng qua mạng xã hội nói riêng.
“Ông lớn” tìm đường sang online
Cách đây nhiều tháng, hãng điện thoại Huawei đã chính thức mở shop bán hàng trên sàn TMĐT Lazada, tiếp sau đó là Sony… Ở chiều ngược lại, Tiki cũng đã chủ động chính thức mở trang bán hàng chính hãng của Sony.
Bán lẻ hàng điện tử, điện máy, điện thoại tại các shop, siêu thị vẫn đang chiếm ưu thế về doanh số từ 80-90%. Tuy nhiên, doanh số bán online những loại mặt hàng này cũng đã gia tăng nhanh chóng tại các sàn TMĐT và website bán hàng trực tuyến.
Giám đốc một Cty bán lẻ điện thoại tiết lộ, chỉ riêng mặt hàng iPhone bán qua sàn Lazada, mỗi tháng đã có doanh thu cả trăm tỉ đồng. Đó là chưa kể các thương hiệu điện thoại khác hiện nay hầu hết cũng đã có mặt trên Lazada cũng như các sàn Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi…
Các sàn TMĐT cạnh tranh bằng các chương trình khuyến mãi đều đặn.
Thậm chí, riêng với các hệ thống bán lẻ truyền thống là siêu thị, tỉ trọng doanh thu từ kênh bán trực tuyến cũng không ngừng gia tăng. Đơn cử tại Thế Giới Di Động (TGDĐ), khoảng 3 năm về trước, doanh số bán online chỉ chiếm tỉ trọng từ 7-8% tổng doanh số. Nhưng trong 11 tháng đầu năm 2018, doanh số online của Cty này chiếm tỉ trọng khoảng 13,8%.
Tuy nhiên gần đây, trước áp lực cạnh tranh từ các sàn TMĐT, TGDĐ cho biết sẽ thí điểm chính sách bán hai giá trên cùng một sản phẩm tại chuỗi Điện Máy Xanh nhằm thu hút khách hàng từ trước tới nay chưa tiếp cận.
Bán hàng online theo kiểu… online
Trước làn sóng bùng nổ TMĐT, đặc biệt là các chương trình bán hàng khuyến mãi, giảm giá liên tục, các chuỗi bán lẻ như TGDĐ, FPT Shop, Viễn Thông A… buộc phải có những xoay chuyển để thích ứng với phương thức bán hàng online theo kiểu online. Hàng được mang bán trên online luôn có mức giá rẻ hơn khá nhiều so với bán tại siêu thị, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và các chính sách bảo hành.
Điển hình nhất là mặt hàng iPhone, lâu nay nhiều người tiêu dùng vẫn có thể săn hàng chính hãng nguyên hộp nguyên seal trên online giá rẻ hơn so với mua tại shop từ 10-15%. Chính nguồn hàng này đã cạnh tranh lấy đi không ít khách hàng và doanh số của các chuỗi siêu thị.
Những hệ thống bán lẻ lớn hiện có giá bán hàng online chỉ rẻ hơn giá bán tại shop vài ba phần trăm hoặc đồng giá. Người mua qua online của những chuỗi này được hưởng lợi không nhiều so với mua trên các sàn TMĐT.
Và họ tạo áp lực ngày càng lớn lên các chuỗi bán lẻ.
Trên thực tế, cứ mỗi đợt tung ra những sản phẩm điện thoại mới, các hãng như Samsung, OPPO, Xiaomi, Huawei, ASUS… đều dành hàng ngàn suất bán độc quyền giảm giá mạnh cùng với quà tặng trên các sàn TMĐT nhằm tạo hiệu ứng lan truyền.
Chuỗi bán lẻ số 1 một thời của nước Mỹ là SEARS, đã phá sản hồi tháng 10.2018, vì một phần nguyên nhân là không biết xoay chuyển thích ứng kịp trong trào lưu mua hàng online. Trong khi đó, những chuỗi hàng đầu tại Mỹ như Walmart, Best Buy… đều đã phải đẩy mạnh kênh bán hàng online để cạnh tranh với Amazon.com.
Còn tại Trung Quốc, dịp Ngày độc thân 11.11.2018 vừa qua, Alibaba đạt doanh số online đến 31 tỉ USD chỉ trong 1 ngày, kỉ lục mà chưa có chuỗi bán lẻ truyền thống nào có thể đạt được.
Bán hàng online theo kiểu online vừa phải bảo đảm chất lượng, giá cả luôn phải có ưu thế rẻ vượt trội. Điều này, các chuỗi bán lẻ hàng công nghệ tại Việt Nam đang dần phải đối mặt đầy thách thức.
Theo Thế Lâm
Lao Động